Thuế Nhập Khẩu Vàng Nguyên Liệu

Thuế Nhập Khẩu Vàng Nguyên Liệu

Theo dự thảo Nghị định, đối tượng được miễn thuế là vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước trực tiếp hoặc uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước uỷ thác cho doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng thực hiện việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu, việc miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng theo số lượng cụ thể vàng nguyên liệu dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu. Thời gian tiến hành xuất khẩu, nhập khẩu và danh sách các đơn vị được Ngân hàng Nhà nước ủy thác việc xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ do Ngân hàng Nhà nước công bố bằng văn bản. Căn cứ quy định nêu trên và pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện và quy trình, thủ tục chọn lựa doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được uỷ thác xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Đối với chính sách thuế xuất khẩu, Nghị định 87/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, vàng nhập khẩu để gia công cho phía nước ngoài khi xuất trả sản phẩm cho phía nước ngoài được miễn thuế xuất khẩu. Vàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu không phải nộp thuế xuất khẩu đối với vàng xuất khẩu có đủ điều kiện xác định là được chế biến từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu. Các trường hợp vàng xuất khẩu không theo các loại hình nêu trên phải chịu thuế xuất khẩu. Cụ thể, mặt hàng vàng nguyên liệu loại có hàm lượng dưới 99,99% áp dụng mức thuế suất 10% và loại có hàm lượng từ 99,99% trở lên áp dụng mức 0%. Mặt hàng đồ trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng chia thành 2 loại: loại có hàm lượng vàng từ 80% trở lên áp dụng mức thuế suất 10% và loại có hàm lượng vàng dưới 80% áp dụng mức 0%. Về chính sách thuế nhập khẩu, vàng nhập khẩu để gia công cho phía nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu. Vàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, nếu đã nộp thuế nhập khẩu thì được hoàn thuế tương ứng với tỷ lệ sản phẩm thực tế xuất khẩu. Các trường hợp vàng nhập khẩu không theo các loại hình nêu trên phải chịu thuế nhập khẩu. Theo đó, mặt hàng vàng nguyên liệu có mức thuế suất 0%; mặt hàng đồ trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng có mức thuế suất 25% và 30%. Về chính sách thuế giá trị gia tăng, theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn, vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng chưa được chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Hoạt động mua bán vàng là đồ trang sức, kỹ nghệ, thỏi, miếng và các sản phẩm khác bằng vàng thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng theo mức thuế suất 10% tính trên giá trị gia tăng. Mặt hàng vàng cũng không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, gia công, kinh doanh mặt hàng vàng thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thông thường khác. Như vậy, chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng đã được quy định rõ ràng tại các luật thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn thực hiện các luật thuế. Theo Bộ Tài chính, về cơ bản, chính sách thuế đã phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Riêng mặt hàng vàng nguyên liệu do ngân hàng nhà nước khi xuất khẩu phải áp dụng mức thuế xuất khẩu 10% nếu là loại có hàm lượng vàng dưới 99,99%, nếu là loại có hàm lượng vàng từ 99,99% trở lên thì được áp dụng mức thuế xuất khẩu 0% nhưng phải có giám định chất lượng vàng; khi nhập khẩu áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% (do thuế nhập khẩu hiện hành đang là 0%) và không phải chịu thuế giá trị gia tăng (khi nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt. Trước đó, ngày 4/2/2013, Bộ Tài chính đã có công văn số 1874/2013/BTC-CST quy định không thu thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu đối với mặt hàng vàng nguyên liệu dạng miếng, dạng thỏi Ngân hàng Nhà nước uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian từ ngày 4/2/2013 đến 31/3/2013. Từ 1/4/2013 trở đi, Ngân hàng Nhà nước tạm dừng việc uỷ thác xuất khẩu, uỷ thác nhập khẩu cho phép các tổ chức tín dụng mà sẽ trực tiếp thực hiện việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, góp phần bình ổn thị trường vàng trong nước, Bộ Tài chính cho rằng quyết định này được ban hành sẽ đảm bảo cho Ngân hàng Nhà nước kịp thời xuất khẩu, nhập khẩu và không ảnh hưởng đến giá vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước trong việc sản xuất vàng miếng để kịp thời can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước hoặc để bổ sung vào dự trữ ngoại hối của Nhà nước theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và Quyết định số 16/2013/QĐ-TTg.

Quy định về xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu

Tại Điều 14 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu như sau:

- Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 Điều 14 Nghị định 24/2012/NĐ-CP và cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

- Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

- Doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.

- Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trong năm kế hoạch cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ vào năng lực sản xuất và báo cáo tình hình xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ của năm trước.

- Doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng có nhu cầu nhập khẩu vàng do doanh nghiệp khai thác ở nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

- Doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác được.

- Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm được thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện, thủ tục và hồ sơ cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 14 Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

Tại Điều 17 Thông tư 16/2012/TT-NHNN (sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Thông tư 38/2015/TT-NHNN) quy định về thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ như sau:

- Doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 02 (hai) bộ hồ sơ quy định tại Điều 10 Thông tư 16/2012/TT-NHNN đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố để được cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

- Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố gửi hồ sơ đề nghị xem xét việc cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối). Hồ sơ bao gồm:

+ Văn bản của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có ý kiến về việc doanh nghiệp có đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện quy định tại Điều 3 Thông tư 16/2012/TT-NHNN, bao gồm cả việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và sự phù hợp giữa Bản kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp và nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp;

+ Hồ sơ đề nghị cấp phép của doanh nghiệp.

- Trong thời hạn 17 (mười bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn bản thông báo việc chấp thuận hoặc từ chối cấp phép đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.

- Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cấp hoặc từ chối cấp (ghi rõ lý do) Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (theo mẫu tại Phụ lục 15 Thông tư 16/2012/TT-NHNN).

- Thời hạn có giá trị của Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được xác định căn cứ kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp và tối đa là 12 (mười hai) tháng kể từ ngày cấp.

- Định kỳ hàng quý hoặc khi cần thiết, trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Thông tư 16/2012/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Điều kiện cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

Căn cứ Điều 3 Thông tư 16/2012/TT-NHNN (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 38/2015/TT-NHNN) quy định doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để được cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu phải có các điều kiện như sau:

- Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.

- Nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phù hợp với kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

- Không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp và cho đến thời điểm cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.