Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có một cử chỉ mang tính biểu tượng để nói với thế giới rằng chế độ của ông sẽ tiếp tục sang thế hệ kế tiếp bằng cách giới thiệu con gái mình tại một loạt sự kiện quân sự lớn với sự góp mặt của các tướng lĩnh hàng đầu và khí tài quân sự mới nhất, theo các chuyên gia.
Liệu Tổng thống Yoon có bị luận tội?
Giờ đây, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào việc liệu ông Yoon có đối mặt với luận tội hay không, dù rằng đây không phải là lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc đối mặt với điều này.
Sáu đảng đối lập đã đưa ra kiến nghị luận tội ông Yoon và kiến nghị này phải được biểu quyết trong vòng 72 giờ. Các nghị sĩ dự kiến sẽ họp bàn vào thứ Sáu, ngày 6/12, hoặc thứ Bảy, ngày 7/12.
Để kiến nghị được thông qua buộc phải có sự đồng thuận của tối thiểu hai phần ba trong tổng số 300 thành viên Quốc hội - tức ít nhất 200 phiếu. Đảng đối lập gần như đã có đủ số phiếu cần thiết, riêng đảng của ông Yoon dù chỉ trích các hành động của ông nhưng vẫn chưa tỏ rõ lập trường chính thức. Chỉ cần một vài thành viên trong đảng cầm quyền ủng hộ kiến nghị này, khả năng ông Yoon bị luận tội là rất cao.
Nếu Quốc hội thông qua kiến nghị, quyền lực của ông Yoon sẽ vô hiệu hóa ngay lập tức và Thủ tướng Han Duck-soo sẽ trở thành quyền tổng thống.
Tòa án Hiến pháp, một hội đồng gồm chín thành viên giám sát các nhánh của chính phủ Hàn Quốc, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng: nếu tòa án ủng hộ kết quả luận tội, ông Yoon sẽ bị phế truất và một cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày. Nếu tòa án bác bỏ, ông Yoon sẽ tiếp tục tại vị.
Tổng thống Roh Moo-hyun cũng suýt bị phế truất sau khi cuộc bỏ phiếu luận tội của Quốc hội bị Tòa án Hiến pháp bác bỏ năm 2004.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo ở Hàn Quốc, vì sao Triều Tiên không phản ứng?
Hồi cuối ngày thứ Ba, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã khiến cả đất nước chấn động khi tuyên bố thiết quân luật - đây là lần đầu tiên trong gần 50 năm - với lý do "các thế lực chống phá nhà nước" và vì mối đe dọa từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, động thái này dường như mang động cơ chính trị, kích hoạt hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn và dẫn đến một cuộc bỏ phiếu khẩn tại quốc hội - kết quả là lệnh thiết quân luật bị hủy bỏ chỉ vài giờ sau đó.
Thất bại, ông Yoon phải chấp nhận quyết định của quốc hội và rút lại lệnh thiết quân luật. Trong khi đó, các nhà lập pháp đang chuẩn bị cho việc bỏ phiếu việc luận tội ông, cáo buộc tổng thống có hành vi "nổi loạn."
Hàng ngàn người tham gia các cuộc biểu tình trên khắp Hàn Quốc phản đối hành động của tổng thống và kêu gọi ông này từ chức.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun đã từ chức, nhận "trách nhiệm hoàn toàn" về việc ban bố tình trạng thiết quân luật và gửi lời xin lỗi đến công chúng vì đã "gây ra hỗn loạn và lo sợ," theo một tuyên bố từ Bộ Quốc phòng.
Dù là tổng thống, nhưng ông Yoon là một gương mặt tương đối mới trên chính trường Hàn Quốc ở thời điểm ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 với kết quả sít sao nhất kể từ khi xứ sở kim chi bắt đầu tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống tự do từ những năm 1980.
Trong chiến dịch tranh cử, vị tổng thống 63 tuổi này đã cổ xúy cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Triều Tiên và các vấn đề giới vốn gây tranh cãi. Tuy nhiên, khi nhậm chức, ông lại được biết đến hiều hơn qua hàng loạt sai lầm và bê bối chính trị, khiến tỷ lệ tín nhiệm dành cho ông giảm mạnh và làm suy yếu quyền lực của chính phủ - đỉnh điểm là những cảnh tượng đầy kịch tính vào đêm thứ Ba.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, cựu Ngoại trưởng Kang Kyung-wha cho rằng quyết định của Yoon cho thấy ông "hoàn toàn không nắm bắt được thực trạng mà đất nước đang phải đối mặt vào thời điểm này."
Bà Kang nhận định, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo hoàn toàn phụ thuộc vào ông Yoon. "Quả bóng giờ đang ở chân của tổng thống, ông ấy phải tự tìm cách thoát khỏi thế khó do mình gây ra."
Tuy nhiên, không phải ai cũng bỏ rơi ông Yoon. Một số nhà lập pháp thuộc phe cực hữu trong đảng cầm quyền đã đánh tiếng ủng hộ tổng thống.
Trong số đó có Hwang Kyo-ahn, cựu thủ tướng, là người đã đăng bài trên mạng xã hội kêu gọi bắt giữ cả Woo Won-shik, Chủ tịch Quốc hội, lẫn Han Dong-hoon, lãnh đạo đảng của ông Yoon, cáo buộc họ cản trở các biện pháp của tổng thống.
Ông Hwang còn khẳng định rằng “lần này các nhóm thân Triều Tiên cần phải bị loại bỏ” và kêu gọi ông Yoon cần đáp trả cứng rắn, tiến hành điều tra và sử dụng tất cả các quyền khẩn cấp theo ý mình.
Thiết quân luật từng được ban bố ở Hàn Quốc chưa?
Việc ông Yoon tuyên bố thiết quân luật đánh dấu lần đầu tiên tình trạng này được ban bố trở lại tại Hàn Quốc sau 45 năm, khơi lại những vết thương cũ trong lịch sử.
Dù ban đầu được thiết kế với mục đích ổn định tình trạng khẩn cấp quốc gia, thiết quân luật thường bị chỉ trích là công cụ đàn áp bất đồng chính kiến, duy trì quyền lực và gây tổn hại cho nền dân chủ.
Năm 1948, Tổng thống Syngman Rhee tuyên bố thiết quân luật để kiểm soát một cuộc binh biến chống lại việc đàn áp các cuộc nổi dậy tại Jeju, hệ quả là nhiều thường dân bị thiệt mạng.
Năm 1960, thiết quân luật bị lạm dụng trong cuộc Cách mạng Tháng Tư, khi các cuộc biểu tình chống chính quyền Rhee leo thang sau vụ cảnh sát giết chết một học sinh trung học khi tham gia biểu tình phản đối gian lận bầu cử.
Tổng thống Park Chung-hee cũng thường xuyên áp dụng thiết quân luật để đàn áp các mối đe dọa chế độ của ông. Sau khi ông Park bị ám sát, thiết quân luật đã được ban bố trên toàn quốc và thời kỳ này kéo dài đến 440 ngày, hệ quả để lại là cuộc Thảm sát Gwangju dưới thời Chun Doo-hwan.
Những sự kiện này để lại ký ức đau thương cho người dân Hàn Quốc và thiết quân luật bị xem như một công cụ phục vụ quyền lực chính trị hơn là một biện pháp bảo vệ an toàn cho công chúng.
Kể từ năm 1987, hiến pháp Hàn Quốc đã thắt chặt các điều kiện ban bố tình trạng này, yêu cầu phải có sự phê chuẩn của Quốc hội để gia hạn hoặc dỡ bỏ biện pháp này.
Nền dân chủ ở Hàn Quốc vững đến mức nào?
Hành động hấp tấp của ông Yoon đã gây chấn động Hàn Quốc - một quốc gia coi mình là nền dân chủ hiện đại, phát triển, đã thoát khỏi những ngày tháng dưới chế độ độc tài.
Nhiều người coi sự kiện tuần này là thách thức lớn nhất đối với nền dân chủ Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ qua.
Các chuyên gia cho rằng điều đó có thể gây tổn hại đến danh tiếng của Hàn Quốc với tư cách là một nền dân chủ, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1 ở Mỹ.
"Việc ông Yoon ban bố thiết quân luật dường như vừa là hành động vượt quyền về pháp lý, vừa là toan tính sai lầm về chính trị, gây nguy hiểm không cần thiết cho nền kinh tế và an ninh của Hàn Quốc," chuyên gia Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha ở Seoul nhận định.
"Ông ấy giống như một chính trị gia đang ở thế tứ bề thọ địch và thực hiện một hành động mang tính tuyệt vọng trước hàng loạt bê bối hay sự cản trở từ các tổ chức và những lời kêu gọi luận tội – tất cả những điều này giờ đây có khả năng sẽ leo thang."
Tuy nhiên, bất chấp sự hỗn loạn trong đêm tại Seoul, nền dân chủ của Hàn Quốc dường như vẫn vững vàng. Cựu Ngoại trưởng Kang Kyung-wha chia sẻ với BBC rằng bà "cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm" khi căng thẳng có vẻ như đang dịu đi.
"Suốt đêm, [nhìn thấy] Quốc hội làm tròn trách nhiệm của mình và người dân xuống đường kêu gọi bãi bỏ [lệnh thiết quân luật] – tôi phải nói rằng, rốt cuộc thì điều này đã chứng minh nền dân chủ ở đất nước mình mạnh mẽ và kiên cường."
Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Yoon đã nhắm vào Triều Tiên, nói rằng động thái này là nhằm "bảo vệ một Đại Hàn Dân Quốc tự do trước mối đe dọa từ thế lực cộng sản Triều Tiên" và "xóa bỏ các thế lực phản quốc thân Triều Tiên đáng khinh, đang cướp đoạt tự do và hạnh phúc của nhân dân chúng ta."
Những bình luận như vậy thông thường sẽ hứng chịu sự đáp trả từ phía Triều Tiên, tuy nhiên, đến nay truyền thông nhà nước của nước này vẫn im hơi lặng tiếng.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã ra tuyên bố trước bình minh ngày thứ Tư, thông báo rằng lệnh thiết quân luật của ông Yoon đã bị bãi bỏ và “không có hoạt động bất thường nào từ phía Triều Tiên.”
“Tình hình an ninh đối phó với Triều Tiên vẫn ổn định,” hãng thông tấn Yonhap dẫn thông cáo.
Các chuyên gia nói rằng vẫn chưa rõ tại sao ông Yoon lại đề cập đến các mối đe dọa từ Triều Tiên, nhưng nhiều người tin rằng điều đó sẽ không giúp cải thiện quan hệ căng thẳng vốn đã leo thang giữa hai miền Nam Bắc.
Fyodor Tertitskiy, một nhà nghiên cứu về chính trị Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, nhận định rằng “thực sự không có cách nào để Triều Tiên tận dụng cuộc khủng hoảng này.”
“Mọi thứ diễn ra quá nhanh, chỉ trong vòng vài giờ,” ông nói với BBC.
DOL có 15+ cơ sở tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng