Xuất khẩu gạo ổn định trước biến động thị trường
Khi ban hành biểu thuế thuế suất, thuế xuất nhập khẩu thì cần đảm bảo nguyên tắc gì?
Căn cứ Điều 10 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 thì khi ban hành biểu thuế thuế suất, thuế xuất nhập khẩu thì cần đảm bảo nguyên tắc như sau:
- Khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, ưu tiên loại trong nước chưa đáp ứng nhu cầu; chú trọng phát triển lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
- Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và các cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Góp phần bình ổn thị trường và nguồn thu ngân sách nhà nước.
- Đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế.
- Áp dụng thống nhất mức thuế suất đối với hàng hóa có cùng bản chất, cấu tạo, công dụng, có tính năng kỹ thuật tương tự; thuế suất thuế nhập khẩu giảm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô; thuế suất thuế xuất khẩu tăng dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô.
Bên cạnh đó, thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất được quy định tại Điều 11 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 như sau:
- Chính phủ căn cứ quy định tại Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng chịu thuế ban hành kèm theo Luật này, Biểu thuế ưu đãi cam kết tại Nghị định thư gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã được Quốc hội phê chuẩn và các Điều ước quốc tế khác mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để ban hành:
+ Biểu thuế xuất khẩu; Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi;
+ Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt;
+ Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
- Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng chịu thuế ban hành kèm theo Luật này.
- Thẩm quyền áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ thực hiện theo quy định tại Chương 3 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016.
Tính từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo nói riêng cũng như xuất khẩu nông sản nói chung vẫn đang trên đà sụt giảm. Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu từ thị trường nhập khẩu thế giới khích lệ các nhà xuất khẩu. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được hay không?
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 8/2015 ước đạt 505 nghìn tấn với giá trị đạt 228 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 4,09 triệu tấn và giá trị đạt 1,76 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2014, khối lượng gạo xuất khẩu trong 8 tháng qua đã giảm 8,6% và giảm 13,1% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu bình quân theo đó cũng giảm, chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2015 đã giảm 5,33% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 429,07 USD/tấn.
Xét về các nước nhập khẩu gạo thì hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam (chiếm 35,21% thị phần). Tuy nhiên, theo đà giảm chung, thị trường này trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 1,333 triệu tấn và 542,7 triệu USD (giảm 7,2% về khối lượng và giảm 12,46% về giá trị). Tuy nhiên, mức giảm này vẫn chưa bằng một số thị trường khác trong khu vực. Tính chung trong 7 tháng qua và so với cùng kỳ năm 2014, thị trường có mức giảm lớn nhất là Singapore (với mức giảm tương ứng là 40,48% và 36,84%), theo đó là Phillipin (giảm 34,34% và 38,58%), rồi đến Hồng Kông (giảm 28,45% và 34,49%).
Duy chỉ có thị trường Malaysia là có sự tăng trưởng đột biến trong 7 tháng đầu năm 2015, tăng tới 95,96% về khối lượng và tăng 74,22% về giá trị, vươn lên đứng ở vị trí thứ 3 về thị trường có mức nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam, chiếm 8,71% thị phần.
Cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu
Nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2015 chủ yếu vẫn là do nguồn cung dồi dào, thị trường có thêm sự gia nhập của các nhà xuất khẩu mới nên dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả. Hiện nay Thái Lan và Ấn Độ có lượng tồn kho lớn nên áp lực phải giải phóng hàng tồn kho đã dẫn đến chính sách giảm giá bằng mọi cách theo phương châm “giá nào cũng bán” nên đã lấn sân vào cả các thị trường không thuộc thế mạnh trước đây của các quốc gia này. Ví như Thái Lan, trước đây chủ yếu tập trung xuất khẩu các sản phẩm gạo cao cấp, thị phần gạo thấp cấp gần như không quan tâm thì trong khoảng 2 năm trở lại đây, cục diện đã thay đổi. Thái Lan bắt đầu gia tăng, chiếm lĩnh thị phần gạo thấp cấp - vốn thuộc thế mạnh của Việt Nam bằng cách ngoài việc xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp, Thái Lan còn tích cực ký kết liên Chính phủ. Cụ thể, trong tháng 12/2014, Thái Lan cho biết Trung Quốc sẽ mua 2 triệu tấn gạo sau khi hai nước đã ký Bản ghi nhớ nhân diễn ra Hội nghị thượng đỉnh dài hai ngày tổ chức tại Bangkok, thỏa thuận công bố Thái Lan sẽ bán cho Trung Quốc 1 triệu tấn gạo hôm 10/8 là một phần của thỏa thuận tổng thể nói trên, số còn lại sẽ bán tiếp trong năm 2015. Cuối tháng 8/2015, các quan chức Chính phủ Thái Lan lại tới Iran để thương thảo hợp đồng tương tự bởi Iran đã có thư ngỏ ý mua gạo của Thái Lan. Hiện Thái Lan có khoảng 14,5 triệu tấn gạo đang được dự trữ theo chương trình trợ giá gạo hào phóng mà Chính phủ trước bị quân đội lật đổ tháng 5/2014 thực hiện và nay muốn bán xả số hàng này để hạn chế thiệt hại.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng bị sức ép lớn từ đối thủ mới nổi nhưng đáng gờm là Campuchia. Gạo Campuchia hiện đang xâm nhập và cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam tại Trung Quốc và EU. Dù mới chỉ tham gia thị trường xuất khẩu gạo thế giới chưa được 5 năm, nhưng gạo Campuchia hiện đã xuất sang 53 nước trên thế giới, bao gồm nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu. Ba loại gạo xuất khẩu chính của Campuchia gồm: gạo thơm, gạo trắng hạt dài và gạo đồ. Theo số liệu mới công bố của Ban Thư ký Dịch vụ xuất khẩu gạo một cửa Campuchia, nước này đã xuất khẩu hơn 342 nghìn tấn gạo trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 46% so cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Campuchia đã xuất khẩu gần 75.000 tấn gạo sang Trung Quốc, gần 45.500 tấn sang Pháp và gần 38.400 tấn sang Ba Lan. Trong khi đó, sau 20 năm Việt Nam gia nhập thị trường gạo thế giới, các thị trường xuất khẩu gạo chính vẫn chỉ là Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Bangladesh và châu Phi... Không chỉ xuất khẩu tới nhiều thị trường, gạo Campuchia còn bán được với giá cao. Số liệu từ Liên đoàn Gạo Campuchia cho thấy, gạo thơm jasmine cao cấp 5% tấm của nước này hiện có giá 850 USD/tấn, gạo jasmine loại thường 5% tấm có giá 720 USD/tấn... Mức giá này cao hơn rất nhiều so với mức giá gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam (thường chỉ quanh ngưỡng 600 USD/tấn với điều kiện thanh toán tương đương). Còn theo thống kê của Oryza, website chuyên thống kê về giá gạo thế giới, giá gạo xuất khẩu Việt Nam thấp hơn Campuchia ở tất cả các chủng loại, từ gạo trắng hạt dài cao cấp, cho đến gạo thơm hạt dài loại cao cấp và loại thường. Đối với gạo thơm hạt dài, gạo Phka Mails của Campuchia có giá đến 840 USD/tấn, gần gấp đôi mức 465 USD/tấn của gạo cùng loại của Việt Nam.
Ở khía cạnh khác, từ trước đến nay, Việt Nam không có gạo chất lượng cao mà chỉ có gạo trắng để xuất khẩu. Nghĩa là chúng ta không chú ý trồng giống lúa cho loại gạo thơm ngon mà thị trường trên thế giới cần. Cho nên khi nhu cầu thị trường trở nên “khó tính” hơn thì gạo Việt Nam khó có thể đáp ứng được. Ngoài ra, gạo Việt Nam “ngại’ thâm nhập vào các thị trường lớn, thị trường khó tính vì khá mất công sức cũng như thời gian mà chỉ tập trung vào những thị trường truyền thống, thế nên khi Trung Quốc - vốn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gạo theo đường tiểu ngạch mà tăng cường nhập khẩu theo đường chính thức thì việc xuất khẩu gạo của Việt Nam đã chịu nhiều ảnh hưởng, số lượng hợp đồng của các doanh nghiệp giảm mạnh.
Điểm sáng cho những tháng cuối năm
Mặc dù phải chịu sức ép mạnh mẽ từ các đối thủ cạnh tranh, song các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam cũng nhận được nhiều tín hiệu khả quan cho tình hình xuất khẩu những tháng cuối năm. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), qua tháng 7, nguồn cung cấp gạo ở hầu hết các nước châu Á sẽ bị hạn chế do đã qua thời điểm thu hoạch và dường như vụ mùa vừa qua không mấy khả quan. Hiện nay, Thái Lan đã kết thúc thu hoạch vụ 2 với sản lượng đạt thấp, thiếu nguồn cung cấp mới, đồng thời do khô hạn, thiếu nước làm trì hoãn thời vụ gieo sạ và thu hoạch vụ chính, khiến sản lượng gạo nước này dự kiến sẽ giảm đến 2 triệu tấn. Cũng theo tổ chức này, hiện chỉ có Việt Nam đang vào thời điểm thu hoạch vụ hè thu nên nguồn cung cấp dồi dào, Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng xuất khẩu khi đang giữ mức giá rẻ nhất trong các nguồn cung cấp hiện nay, có thể cạnh tranh với gạo cũ của Thái Lan tại châu Phi.
Đối với các nước nhập khẩu, đã 3 tháng nay Philippines không có thu hoạch. Do thiếu nguồn cung cấp nên Philippines phải tăng cường dự trữ lương thực trong thời gian này. Mới đây, Philippines thông báo chương trình nhập khẩu gạo tư nhân MAV theo cam kết WTO cho năm 2015 với số lượng 805.200 tấn, trong đó hạn ngạch gạo nhập khẩu từ Việt Nam là 293.100 tấn. Ngoài ra, ngày 09/9, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã thông báo đấu thầu nhập khẩu 750.000 tấn gạo, thêm vào 1,8 triệu tấn đã được dự kiến nhập khẩu trong năm nay do El Nino đang mạnh lên. NFA đang tìm mối giao hàng 250.000 tấn gạo đầu tiên vào cuối năm nay và 500.000 tấn còn lại trong quý 1/2016. Động thái này của Philippines dự kiến sẽ làm tăng giá xuất khẩu gạo tại châu Á, khi giá đã giảm trong những tháng gần đây. Và đây cũng được xem là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo Việt Nam trong những tháng cuối năm theo hợp đồng tập trung.
Trong khi đó, thị trường châu Phi cũng đang gia tăng nhập khẩu gạo Việt Nam nhờ lợi thế giá rẻ hơn các đối thủ Ấn Độ và Thái Lan. Cùng với gạo trắng thường, các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao cũng được nhập khẩu nhiều hơn. Với dân số hơn 1 tỷ người, nhu cầu nhập khẩu gạo từ 8 - 10 triệu tấn/năm, giá trị 3,5 - 5 tỷ USD, châu Phi và một số nước Tây Á sẽ là thị trường tiêu thụ rất lớn cho Việt Nam nếu các doanh nghiệp biết cách khai thác.
Để tận dụng được hết những cơ hội này cũng như nhằm tháo gỡ khó khăn về thị trường cho xuất khẩu gạo, bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường gạo như: Rà soát, phân tích tình hình xuất khẩu gạo tại các thị trường để xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, điểm yếu, hạn chế, từ đó có những biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo phù hợp, giúp phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng các hoạt động xúc tiến xuất khẩu gạo trong năm 2015 theo hướng củng cố, duy trì những thị trường trọng điểm, truyền thống, tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới tiềm năng; rà soát tình hình thực hiện, đánh giá, phân tích rõ những khó khăn, vướng mắc tại các thị trường tập trung, tận dụng khả năng tiếp cận thị trường, thâm nhập vào các thị trường khó tính, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các Hiệp định thương mại đã ký kết; đồng thời củng cố đội ngũ thương nhân xuất khẩu gạo, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh chế biến gạo chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới,...
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần phải tự đổi mới về chiến lược xuất khẩu, nhạy bén trong việc tiếp cận thị trường, xuất khẩu theo nhu cầu thay vì chỉ bán sản phẩm hiện có với các thị trường truyền thống; tăng cường ký kết hợp đồng trực tiếp với các đối tác nước ngoài, hạn chế qua khâu trung gian nhằm giảm những chi phí không cần thiết, từ đó tăng cao giá trị xuất khẩu gạo ở các thị trường trên thế giới. Đồng thời, doanh nghiệp phải tham gia chặt chẽ vào quá trình tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo đúng như mô hình liên kết, cánh đồng mẫu lớn. Khuyến khích nông dân sử dụng giống xác nhận trong canh tác từ 70 - 80% trở lên trong canh tác lúa. Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương, thủy lợi ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng cần được cải tạo, mở rộng để phục vụ cho việc vận chuyển lúa gạo với số lượng lớn…